Ngày buồn nhất là ngày trở về. Đối với nhiều người về lại quê hương sau bao năm xa cách, nhất là nước nhà khi đó đã thống nhất là một điều đáng mừng, còn với tôi là một nỗi sợ. Không phải là tôi không yêu nước, nhưng tôi sợ trở về Tổ quốc thân yêu của mình thì bệnh hen cũ lại tái phát. Dù ở nước ngoài không hẳn là khỏe mạnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy thở nhẹ nhàng, không phải gồng mình lên để thở khi trời trở lạnh. Trong thời gian học tôi cũng được đọc nhiều báo chí nước ngoài nên hiểu rõ về khí hậu Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc Việt Nam cũng là một vùng khí hậu khắc nghiệt. Đó là vùng giao thoa hai miền khí hậu từ phía bắc Sibêri tràn xuống và khí hậu nhiệt đới gió mùa từ vùng biển phía nam đi lên. Cho nên khí hậu vừa có bão, có gió mùa đông bắc, vừa nóng, vừa lạnh và độ ẩm không khí rất cao. Ai ở miền bắc đều biết có những mùa rất nóng nhưng mô hôi thoát ra vẫn không bay hơi được là vì độ ẩm không khí cao, khí hậu này rất thuận lợi cho bệnh hen phát triển. Còn ở Châu Âu khí hậu ôn đới, tuy lạnh nhưng lại rất khô, mùa đông nước đều biến thành băng và tuyết nên người bệnh không bị ngột ngạt khó thở. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh hen chính là khí hậu, khí hậu lạnh cùng với độ ẩm không khí cao đã gây ra bệnh hen dị ứng của tôi. Còn miền Nam thì khí hậu ôn hòa chỉ có hai mùa mưa nắng và đặc biệt là không có mùa đông. Mặc dù tôi chưa ở miền Nam bao giờ, nhưng qua sách báo nước ngoài thì đây là vùng đất mà tôi háo hức chờ đợi.
Khi máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Nội bài thì chúng tôi ùa nhau ra cửa sổ, nhìn những cánh đồng, những dòng sông , những con trâu sau bao năm xa cách, tất cả như lạ mà như quen. Có một cái đập ngay vào mắt mà tôi cảm nhận ngay được, đó là đất trồng trọt của mình cằn cỗi quá, không có độ phì nhiêu tươi tốt như ở Châu âu, đất như vậy thì không thể nào cho năng suất cao được.
Ngày tôi về vào mùa thu, là mùa đẹp nhất của Hà Nội nên cũng cảm thấy không khó chịu gì. Vì bố tôi cũng có chức có quyền một chút, lại quen biết rộng nên tôi được làm việc ngay tại Hà Nội khá dễ dàng. Khi đến cơ quan xem thử, thấy cơ sở vật chất nghèo nàn, nhân viên chỉ ngồi hút thuốc lào và đánh cờ tướng nên tôi chẳng thấy một chút hứng thú gì. Hồi đó là năm 1980 đất nước sau giải phóng đang là giai đoạn khó khăn nhất, đối với tôi lúc đó công việc không phải là quan trọng, mà quan trọng là vấn đề sức khỏe. Tôi đã không phải chờ đợi lâu, tới tháng 10, tháng 11 trời lạnh dần, những bứt dứt khó thở sau bao năm xa cách nay trở lại, rồi cứ đêm đêm gần sáng tôi lại thức giấc, những tiếng thở khò khè lại rít lên, rồi đờm không biết từ đâu lại tràn lên phổi, sáng sáng lại hắt hơi sổ mũi ướt đầm cả chiếc khăn mùi xoa. Những lúc đó trong đầu tôi lại lóe lên một ước vọng mãnh liệt, đó là được sống ở nước ngoài.
Rồi một hôm sực nhớ ra điều gì , bố tôi bảo tôi thử đến chỗ bác Tiến châm cứu xem có khỏi bệnh không. Lúc này tôi hoàn toàn không hiểu hai từ châm cứu là gì cả.
Khi đến nhà bác tôi thấy có vài bệnh nhân đang chờ bác chữa bệnh, dáng điệu họ rất khúm núm, dường như chỉ sợ làm điều gì vô lễ thì bác không chữa bệnh cho. Tôi chào bác và tự giới thiệu mình thì bác thoáng nhìn tôi rồi không nói gì, thái độ bác có vẻ lạnh lùng làm tôi hơi sờ sợ. Sau đó bác hỏi tôi: Bố mày cũng để tao chữa bệnh cho mày à! Rồi bác bảo tôi ngồi châm cứu luôn, tôi hơi ngại vì còn vài người chờ trước tôi mà chưa được chữa. Đây là lần đầu tiên tôi châm cứu, thấy bác cầm cây kim dài đâm vào thịt rồi ngoáy ngoáy vài cái làm tôi vừa ngạc nhiên vừa sợ. Ngày trước hay phải tiêm vào mông đau nhói là tôi rất sợ, giờ nhìn cây kim đâm vào thịttôi chỉ nhắm nghiền mắt lại chờ đợi. Mẹ tôi ở nhà còn nói châm sai có thể tử vong hoặc liệt toàn thân, sai một ly là đi một dặm.
Tôi còn nhớ mãi cảm giác khi chiếc kim châm đầu tiên đâm vào ngực rồi xoay xoay vài cái, thì tự nhiên như có một luồng điện giật giật trong người, rồi một luồng khí chạy lên đầu và tôi bật thở hắt ra, lồng ngực như được mở ra khí hít sâu vào được dễ dàng. Hơi thở càng sâu càng mạnh, một lúc sau thì cảm giác khó thở cùng tiếng thở khò khè cũng hết lúc nào không hay. Sự việc diễn ra trong chớp mắt, nếu tôi uống thuốc tây thì phải mất hàng tiếng sau cơn hen mới giảm dần, còn đằng này khi châm vào bệnh giảm ngay lập tức, tôi vô cùng sửng sốt và mừng rỡ, rồi tự nhiên cũng cảm thấy mình giống người ta khúm núm xin phép bác Tiến ra về, Bác nói cứ khi nào bị thì lại đến.
Về nhà tôi vô cùng mừng rỡ tin tưởng rằng bệnh sẽ khỏi. Tôi kể lại cho bố mẹ nghe, cả nhà vừa mừng lại vừa lạ, riêng bố tôi thì nói còn phải chờ một thời gian mới biết kết quả.
Xin nói về Bác Tiến. Sau này bác là người đầu tiên đã hướng dẫn và giúp đỡ tôi vào con đường học và chữa bệnh cho bản thân mình. Nghe bố tôi kể lại bác cùng học Đại học dược với bố tôi ( nghe nói học từ thời Pháp). Bác là Dược sỹ, nhưng vì gia đình có ba đời làm nghề Đông y chữa bệnh nên bác rất giỏi về Đông y và chuyên về châm cứu, bác cũng là thành viên trong hội châm cứu bên Pháp, bác đọc và hiểu được cả tiếng Trung Quốc. Sau hòa bình lập lại do bác hay chữa bệnh cho người khác nên bị kẻ xấu vu oan nói bác hành nghề không đúng chức năng và làm thuốc giả, nên đã cấm bác hành nghề và còn bắt đi làm những việc ngoài chuyên môn của mình. Nhưng rồi bác chữa cho nhiều người khỏi bệnh trong đó có một ông bộ trưởng nào đó, ông này biết ơn bác nên đã đứng ra bảo lãnh để bác trở về ngành dược làm đúng nghề chuyên môn của mình. Trong Bộ y tế bác là chuyên viên, có những đề tài được giao làm ở Pháp một năm, bác chỉ làm trong ba bốn tháng rồi về. Bác thuộc loại thẳng tính có phần nóng nảy. Nhưng bác là người rất say mê công việc, khi đã làm việc gì đó thì không muốn thua kém ai, vì thế có nhiều người mến vì tài nhưng cũng có nhiều người không ưa. Tôi rất mến bác vì cái tính của bác cũng có phần hợpCứ mỗi lần châm cứu như vậy thì bệnh cũng chỉ đỡ được 2, 3 hôm và sau đó bị lại, mỗi lần bị lại tôi còn cảm thấy nó nặng hơn lần trước. Dù sao cách chữa bệnh như vậy đối với tôi cũng là một chuyện thần kỳ, có lúc bác còn sử dụngnhĩ châm đối với tôi ( châm tai). Hồi này có một anh Việt Kiều ở Pháp về có giúp bác chế ra cái máy điện châm. Tôi cũng được bác ứng dụng bằng phương pháp điện châm, tôi thấy phương pháp này tác dụng quá mạnh không có lợi cho bệnh mãn tính và những người sức khỏe yếu. Đã có rất nhiều bệnh nhân được bác chữa khỏi bệnh nhưng riêng bệnh hen bác nói đó là bệnh mãn tính, là bệnh di truyền, là bệnh hen cơ địa nên không thể nào chữa khỏi được. Bác nói bên Tây y thì họ gọi là hen phế quản hay hen dị ứng, nhiều khi phụ thuộc vào điều kiện khí hậu hoặc môi trường mình đang ở mới bị hen. Bên Đông y thì người ta không gọi là bệnh hen mà gọi là chứng hen. Tôi nghĩ gọi như vậy lẽ vì hen chẳng có một nguyên nhân gây bệnh rõ ràng, nó được tạo ra chủ yếu do dị ứng thời tiết, tôi nghĩ từ xa xưa các cụ tổ Đông y cũng đau đầu với căn bệnh nan y này.
Còn một điều nữa bác có một anh con trai, chắc kém tôi vài tuổi, cũng bị bệnh hen hình như còn nặng hơn bác và bác cũng không chữa được.
Cứ thường xuyên đến bác châm cứu và châm cứu lại không mất tiền nên tôi cũng cảm thấy rất ngại ngùng. Tôi bèn ngỏ ý hỏi bác cách học để tự chữa bệnh cho mình. Bác nói học cái này phải biết rõ về học thuyết Trung y, mà muốn hiểu sâu thì phải biết tiếng Hán, bản thân bác cũng rất giỏi chữ hán. Tôi lè lưỡi lắc đầu. Chủ nghĩa Mao Trạch Đông thì tôi có nghe nói, còn học thuyết Trung y thì là lần đầu tiên nghe được hai từ này, nó là cái gì thì chưa có ai dạy tôi. Tiếng Trung Quốc còn khủng khiếp nữa toàn gạch ngang, gạch dọc, chẳng có ai dạy mà cũng chẳng có thời gian để học nó nữa. Tuy vậy vài hôm sau bác đưa tôi mượn quyểnĐiểm huyệt xoa bóp do người Việt Nam viết.
Hồi đó sách loại này rất hiếm, nhà sàch không hề bán. Tôi về vội chép tay toàn bộ quyển sách đó để học, vừa học vừa thực hành bản thân. Mặc dù chẳng thấy tác dụng gì nhưng cũng rất thú vị. Lần đầu tiên cảm nhận được trên cơ thể mình rất nhiều huyệt vị, có huyệt bấm vào cũng cảm thấy đau đau và đôi lúc còn thấy như có luồng khí chạy trong người.
Những ngày sau đó bác còn giải thích cho tôi thế nào là huyệt vị, gốc bệnh hen là ở đâu, bác chỉ xuống bụng và bảo gốc bệnh tật là ở đó, tôi không hiểu tí gì. Bác nói ngoài việc chữa bệnh người ta còn tập thể dục chữa bệnh, bác còn đưa tôi một cuốn sách về tập Yoga để chữa bệnh, các bài báo phân tích về bơi lội cũng có tác dụng như tập Yoga. Tất cả sách và những tài liệu đó đồi với tôi quý vô cùng, tôi đều chép tay ra để học.
Đây là lần đầu tiên tôi quan tâm đến việc chữa bệnh, cũng là lần đầu tiên tôi còn biết đến một phương pháp chữa bệnh mà người ta không dùng thuốc, và cũng là lần đầu tiên tôi có khái niệm bệnh hen là gì, tại sao lại không chữa được nó.
Trước kia tôi chỉ hiểu bệnh hen theo lối giải thích của Tây y: Hen phế quản là do sự viêm phế quản gây ra, tạo nên sự co thắt của khí quản nên gây ra bệnh hen. Vậy là cứ uống thuốc cho khí quản giãn ra để hết hen và khi bệnh tái phát thì lại uống thuốc. Bạn sẽ uống thuốc cả đời và cả đời không hết hen.
Khi được giải thích về bệnh hen cơ địa và có tính di truyền thì tôi nghiệm cũng đúng là như vậy. Về gia đình bên mẹ tôi cũng có vài người bà con bị bệnh này, tuy trong gia đình thì chỉ mình tôi bị bệnh. Bệnh không phải là thường xuyên, nó phụ thuộc vào sự phát triển thất thường của thời tiết, thường mùa đông thì hay bị. Tôi cũng đã hỏi bác Tiến là bác không chữa khỏi được cho con bác à! Bác chỉ trả lời là chữa bệnh cho người nhà bao giờ cũng khó khăn. Qua cách trả lời này đã để lại cho tôi một thất vọng lớn, đó là lời khẳng định bệnh này không thể nào chữa được.
Cũng từ đây tôi bắt đầu sự nghiệp tự chữa bệnh của mình. Một câu hỏi luôn luôn được hiện ra trong đầu tôi: Bệnh hen là gì? Cái gì gây ra bệnh hen và tại sao lại không thể nào chữa khỏi được. Tại sao có người bị hen, có người lại không bị? Cơ thể họ có gì khác nhau? Hành trình chữa bệnh thật gian nan và vất vả, phải hơn 30 năm sau tôi mới trả lời đầy đủ được câu hỏi này và biết được cách nào để chữa nó.
Những ngày tiếp theo đó tuy bác không cho mượn thêm sách vở gì nữa nhưng bác chỉ cho tôi những quyển sách cần mua để học, trong đó có bộ “ Châm cứu học” 2 tập, bộ “ Bài giảng Đông y” 2 tập. Những loại sách này ở nhà sách không có, nhưng tìm mua ở mấy ông bán sách cũ vỉa hè thì lại có. Có tiền là họ đều tìm được hết, cũng có khí phải chờ đến vài tuần.
Thời gian này tôi đã nhận quyết định làm việc ở Hà Nội. Vì bệnh hen quay trở lại và khả năng chữa khỏi bệnh là không thể nên tôi cũng chưa muốn quyết định đi làm. Tâm lý bi quan bao trùm lên suy nghĩ của tôi. Lúc đó tôi thoáng nghĩ giá mà được sống ở nước ngoài.
Lúc tôi về nước thì đất nước mới thống nhất được 5 năm, cuộc sống trong nước gặp rất nhiều khó khăn nên trong Nam rất nhiều người tìm cách vượt biên ra nước ngoài. Tôi chợt nghĩ chỉ xin vào trong Nam rồi từ đó tìm cách vượt biên ra nước ngoài để sống. Tôi liền bầy tỏ ý định vào Nam làm việc với bố mẹ tôi. Hồi đó cuộc sống trong Nam khó khăn hơn ngoài Bắc, nhiều người vào trong đó thì lại xin ra ngoài này, cho nên bố mẹ tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi có giải thích là tôi đã đọc được một tài liệu nói về khí hậu trong Nam sẽ hợp với người bị bệnh hen, nên tôi muốn vào đó vì sức khỏe. Mẹ tôi phản đối kịch liệt, riêng bố tôi lại đồng ý. Vì bố tôi cũng đã vào trong đó công tác vài lần, ông cũng xác nhận là khí hậu trong đó rất tốt, đặc biệt là không có mùa đông sẽ hợp với tôi hơn. Thực ra ý nghĩ sâu xa của tôi là muốn ra nước ngoài để sống, nhưng không thể nào nói rõ điều ấy cho bố mẹ tôi biết được. Tuy vậy quyết định vào Nam của tôi vẫn là quyết định sáng suốt.
Hôm sau tôi lên Bộ xây dựng đề nghị thay đổi quyết định chuyển tôi vào Sài gòn làm việc. Ông trưởng phòng tổ chức của Bộ vô cùng ngạc nhiên, tại vì chẳng có ai đã có quyết định ở Hà Nội lại chuyển vào Nam. Tuy ông cũng không từ chối, nhưng đòi hỏi Bố hay Mẹ tôi phải lên viết giấy cam đoan đồng ý cho tôi dược chuyển vào Sài gòn. Bạn nên nhớ thời kỳ này còn bao cấp, kỹ sư ra trường làm ở đâu là do nhà nước quyết định, hồi này chưa có Công ty tư nhân. Ngay ngày hôm sau bố tôi lên Bộ ký giấy cam đoan và nguyện vọng của tôi đã được hoàn thành. Tôi có báo tin này cho bác Tiến. Bác hết sức ngạc nhiên, nhưng rồi cũng tán thành nói rằng khí hậu trong đó hợp với tôi hơn, bác còn nói thêm: trong đó nó lý tài lắm, lúc đó tôi không hiểu bác nói gì. Bác kể trong đó có bác sỹ Trương Thìn cũng nổi tiếng châm cứu trong Nam, bác cũng đã vào đó chữa bệnh cho một số người.Vậy là sau 7 năm xa cách thủ đô Hà Nội, trở về tôi chỉ lưu lại Hà Nội được hơn 4 tháng, còn chưa kịp đi dạo hết các phố cũ thì lại lên đường. Trước khi đi một hôm tôi cùng với mấy đứa bạn từ thời niên thiếu ngồi ở Thủy tạ Bờ Hồ ngắm Hồ Gươm và Tháp rùa lần cuối. Nơi đây đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ của tôi, nhà tôi chỉ cách Hồ Gươm có 5 phút đi bộ, hồi nhỏ tôi thường ra Hồ Gươm bắt cá cảnh, câu cá trộm và hay đi hái búp cây đa quanh hồ.
Hai bạn thời niên thiếu cùng tôi ở Thủy tạ Bờ Hồ trước 1 hôm vào Sài gòn
- Đứng một mình ( Học ở Rumani năm 1974)
- Ngồi mặc áo đen ( Học ở Nga năm 1974)
Hồ Gươm và Bưu điện Hà nội ( 10-2014 )
Đã bao giờ bạn đi hái búp Cây Đa Hồ Gươm ? ( 10-2014 )
Cầu Thê Húc Hồ Gươm ( 10 – 2014 )
Tháp Bút – Đền Ngọc Sơn (10 – 2014)
Nhà hát lớn Hà nội ( 10-2014 )
Thủy Tạ Bờ hồ - Ngày xưa chúng tôi hay ăn kem 4 mùa ( 10-2014 )